Nguyễn Ngọc Nam's profile

GIẾT CON CHIM NHẠI - HARPER LEE

GIẾT CON CHIM NHẠI - HARPER LEE

Giết con chim nhại – Tác phẩm để đời “duy nhất” của Harper Lee

"Ta ko bao giờ thực sự biết một người chừng nào ta chưa ở địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ"

Đây là câu nói mình thấy tâm đắc nhất trong cuốn sách này! Một cuốn sách mà có nhiều câu nói thâm thúy khiến người đọc phải suy ngẫm!

Truyện viết về nạn phân biệt chủng tộc đan xen với những bài học cuộc sống đơn giản mà sâu sắc được lồng ghép một cách tinh tế qua từng trang sách. Những câu chữ như chứa đựng tất cả những quan niệm sống của tác giả được thể hiện một cách dễ hiểu mà thâm sâu.

Mình đặc biệt thích việc tác giả viết dưới giọng văn của một đứa trẻ chưa đến 10 tuổi, nó giúp cho câu chuyện thêm phần sâu sắc và tác động đến người đọc hơn rất nhiều. Qua bộ óc non nớt của những đứa trẻ, thế giới được vẽ lên với sắc hồng mọi người đều bình đẳng và mọi thứ đều công bằng. Việc 2 đứa trẻ chứng kiến vụ xét xử tại tòa án là điều cần thiết để kéo chúng ra khỏi những mộng tưởng hão huyền, để chúng trưởng thành hơn dù cho hệ quả sau đó là khá "đau".

QUAN ĐIỂM

Hai tộc da màu - da trắng, dưới con mắt của mỗi người sẽ đều có cái nhìn nhận riêng, quan điểm riêng. Và quan trọng là thành kiến dân tộc khiến họ trở thành người thế nào? Sự "xấu" chắc chắn sẽ hình thành trong mắt đối phương dù cho con người đó có "tốt" đến đâu đi chăng nữa. Và Alexandra là ví dụ điển hình cho ý trên. Là một người rất yêu gia đình, yêu cháu và yêu anh em nhưng chỉ vì thấy em mình làm luật sư bảo vệ người da đen mà bà thay đổi, đến cái mức mà người đọc cảm thấy khó chịu với nhân vật này vì thành kiến quá lớn. Đây cũng chính là chủ đề chính của tác phẩm: Phân biệt chủng tộc và sức mạnh của cái gọi là thành kiến, nó như một định luật bất di bất dịch bất thay đổi đã hằn sâu trong tâm khảm của những người biết đến nó. Nói vậy ko có nghĩa là 100% người da trắng phân biệt đối xử với người da màu mà vẫn có những người hiểu và cảm thông. Và chính ở đây tác giả lại cho chúng ta thấy thêm được một bài học nữa đó là thói đạo đức giả của con người. Họ biết nhưng ko dám lên tiếng, biết nhưng ko dám đấu tranh, biết nhưng im lặng vì sợ ảnh hưởng, sợ liên lụy. Đó là sự hèn nhát!

SỰ KIỀM CHẾ

Một điều mình rút ra được từ câu truyện này đó là người biết kiềm chế là người phi thường. Đôi khi sự kiềm chế lại đem đến cho ta những bất ngờ thú vị. Kiềm chế trước người mình ghét, trước kẻ thù để rồi nhận ra nguy hiểm nhất chưa chắc đã là kẻ đáng sợ nhất. Sự nguy hiểm được bộc lộ ra bên ngoài tốt hơn nhiều so với việc nó phát triển ở bên trong. Kiểu mấy thẳng hiền hiền lầm lì cứ trêu nó đến lúc nào đấy nó trả thù cho thì chỉ có nước ngồi khóc tu tu :))

SỰ THÙ HẬN VÀ CÁI TÔI CÁ NHÂN

Phải, cái mình muốn nói đến là sự thù hằn của cá nhân dẫn đến những hậu quả đau đớn nhất! Chỉ vì quá ghét "lũ mọi đen" mà hai bố con Bob Ewell đã dựng lên màn kịch giả, lợi dụng sự phân biệt chủng tộc của người da trắng để giết chết một người da đen vô tội, lấy con mình là vật thế thân để đạt được mục đích. Đúng như nhân vật Atticus đã nói: "đối với bố chẳng có gì đáng ghê tởm hơn một người da trắng thấp kém lợi dụng sự ngu dốt của người da đen". Vì quá tốt tính và khờ khạo nên Tom Robinson mới rơi vào bẫy của hai bố con Bob Ewell để rồi phải chịu cảnh khổ nhục, oan ức. Chưa dừng lại ở đó, dù đã đạt được mục đích của mình nhưng hắn vẫn còn giữ trong mình mối hận thù với những người bảo vệ và tin tưởng Tom tại tòa, đặc biệt là Atticus. Hắn như một kẻ điên chứa đầy lòng căm phẫn làm những trò bỉ ối với mọi người, đến độ hắn còn muốn giết người. Hắn thực sự đã để cho phần "con" trong người lên ngôi!

SỰ NGU DỐT CỦA HỆ THỐNG GIÁO DỤC VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC DẠY DỖ ĐỊNH HƯỚNG

Atticus là một ông bố tuyệt vời. Là người có cái nhìn sâu sắc và toàn diện với thế giới. Là một luật sư nên ông coi trọng sự công bằng và mong muốn truyền tải thông điệp đó tới mọi người, đặc biệt là những người còn có thành kiến với người da màu và những đứa con của ông. Ở trường đến chính cô giáo dạy Jem - Scout còn phân biệt chủng tộc và thể hiện sự thiếu hiểu biết của mình. Vậy mình tự hỏi nếu hai đứa trẻ tin vào những điều được dạy ở trường mà ko có bố chúng nó dạy dỗ thì sẽ trở thành người thế nào. Khi mà hy vọng duy nhất là trường học sẽ giáo dục những mầm non tương lai nên người tử tế hiểu biết. Sự kém cỏi của một nền giáo dục đã được phơi bày khéo léo ở đây.

HỌC THỨC – NHẬN THỨC

Suy cho cùng thì Da đen - Da trắng cũng giống như Nông thôn - Thành thị. Ngay chính trong xã hội chúng ta đang sống, trong lối suy nghĩ cũng đã hình thành tư tưởng phân biệt. Người nông thôn ít học, kém hiểu biết hơn người thành phố. Nhưng ít ai biết được rằng tất cả đều có một điểm chung là lòng tự tôn và danh dự.

HÌNH TƯỢNG CON CHIM NHẠI

Mượn hình ảnh con chim nhại, tác giả muốn nói đến sự độc ác của con người khi giết những con vật vô tội, những người vô tội. Chim nhại là loài động vật chỉ biết hót, hót lại rất hay mà ko làm hại gì. Ấy vậy mà lại bị con người săn bắt, cũng giống như người da màu, họ chỉ sống một cuộc sống bình thường như bao dân tộc khác, thậm chí còn giúp đỡ và làm việc thiện cho đồng loại (Calpurnia) là ví dụ tiêu biểu nhưng lại bị thành kiến khiến cho họ trở nên "khác biệt" trong mắt người khác. Nhưng như mình đã nói, thành kiến mãi là thành kiến, định luật mãi là định luật. Quy luật con người phải săn bắt thú vật đã ăn sâu vào tiềm thức từ thuở khai sơ của loài người, sự phân biệt chủng tộc cũng hình thành từ xa xưa cách đây cả trăm năm, do chiến tranh. Việc thay đổi những điều này ko phải một sớm một chiều mà xong, sẽ phải cần cả một quá trình dài với sự hợp tác đồng thuận của nhiều con người.

Kết, Giết con chim nhại xứng đáng là một tác phẩm siêu kinh điển vượt mọi thời đại, là một trong những tác phẩm văn học giá trị nhất của nhân loại, thuộc top những tác phẩm trường tồn với thời gian và tất cả mọi người cần phải đọc nó. Mọi hệ thống giáo dục trên thế giới nên đưa nó vài chương trình giảng dạy của nước mình. Ở Việt Nam, rất cần những tác phẩm văn học kinh điển thế này trong môn ngữ văn, sẽ có ích hơn rất nhiều đối với học sinh, giúp học sinh VN nâng tầm hiểu biết để hòa mình vào chung một dòng chảy với sự phát triên của thế giới.

- Nam LB -
GIẾT CON CHIM NHẠI - HARPER LEE
Published:

Owner

GIẾT CON CHIM NHẠI - HARPER LEE

Published:

Creative Fields